0

Lúa thơm lên đời!

Cuối tháng 7-2014, giá lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu tăng trở lại sau gần bảy tháng đứng ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Hiệu ứng từ mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc phát triển diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản đã gia tăng giá trị hạt gạo, giúp cho người nông dân yên tâm bám ruộng.

  • Cuối tháng 7-2014, giá lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu tăng trở lại sau gần bảy tháng đứng ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm. Hiệu ứng từ mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc phát triển diện tích trồng giống lúa thơm, đặc sản đã gia tăng giá trị hạt gạo, giúp cho người nông dân yên tâm bám ruộng.

    "Kèo thơm từ cánh đồng lớn"!
    "Trong khi nông dân bán lúa với giá 4.000-4.200 đồng/kg, chúng tôi bán lúa thơm cho Công ty Gentraco với giá 6.350 đồng/kg. Đây là năm thứ hai chúng tôi trồng lúa thơm bán cho công ty này, lợi nhuận đạt từ 35 đến 40%" - nông dân Phan Thế Khởi (Sáu Khởi), ở xã Thới Tân (Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết.Anh Sáu Khởi là một trong 3.000 nông dân ở Cần Thơ, Sóc Trăng trồng 2.700 héc-ta lúa thơm cho năng suất khoảng 15 nghìn tấn lúa thơm bán cho Công ty Gentraco (Cần Thơ).

    Để tạo dựng thương hiệu và giữ vững thị trường xuất khẩu gạo thơm, từ năm 2008, Gentraco đã đầu tư vào chương trình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Đến năm 2014, tổng diện tích của mô hình này đã mở rộng khoảng 3.700 héc-ta tại huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai (Cần Thơ); Hòa Lời - Ngọc Đông (Sóc Trăng) và Phú Thượng, Phú Tân (An Giang)... với những giống lúa thơm chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng. "Đầu vụ chúng tôi nhận lúa giống xác nhận, phân bón của công ty cung cấp. Tiền nợ này sẽ được trừ lại sau khi chúng tôi bán lúa cho công ty. Niềm vui ở đây là công ty bán lúa giống chịu với giá thấp. Như vụ rồi, giá lúa giống Jasmine xác nhận bán ngoài thị trường là 14 nghìn đồng/kg còn công ty bán cho nông dân giá 13 nghìn đồng/kg"-nông dân Tư Sang ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết.

    Có thể nói mô hình CĐML, gắn với bao tiêu mua lúa được các cấp chính quyền và nông dân ủng hộ. Các doanh nghiệp đầu vào cũng tích cực tham gia cung cấp vật tư đầu vào với tiêu chí "ưu đãi về giá" và "không lãi suất" kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật giúp nông dân được mua vật tư chính hãng với giá hấp dẫn. Cái hay của CĐML là dễ áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng, nông dân chọn sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm được chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng sử dụng nông sản an toàn, đòi hỏi nông dân phải tuân thủ chặt các quy trình sản xuất do công ty đề ra.

    "Qua sáu năm triển khai, từ việc hợp đồng một vụ chính, năm 2013-2014, Gentraco đã tăng lên liên kết hợp đồng cả ba vụ trong năm. Tỷ lệ thu mua thường đạt ở mức 70 - 80% trên tổng diện tích ký hợp đồng; còn lại 20 - 30% do nông dân không bán cho công ty với rất nhiều lý do như: lúa không đạt chất lượng xuất khẩu (độ lẫn, độ gãy và tạp chất cao...), một số hộ không thỏa thuận được giá, hoặc những khó khăn từ công ty trong giai đoạn mùa vụ tập trung như: chậm giao bao bì, phương tiện vận chuyển... Công ty đang từng bước khắc phục các điểm yếu này để tăng dần tỷ lệ thu mua hơn 90% diện tích"- bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gentraco cho biết.

    Bắt tay nhân rộng mô hình giá trị cao
    Hiện nay, hai địa phương Cần Thơ và Sóc Trăng có số nông dân trồng lúa thơm đặc sản cao nhất ở khu vực ĐBSCL. "Đến năm 2014, Sóc Trăng có hơn 83 nghìn héc-ta lúa đặc sản, tăng 26 nghìn héc-ta so với năm 2013. Điều đáng mừng là tỉnh đã xây dựng được 163 điểm sản xuất theo CĐML với gần 15 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất trên diện tích 19 nghìn héc-ta. Tất cả các điểm sản xuất trong CĐML đều có doanh nghiệp liên kết bao tiêu" - ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng khẳng định. Rất nhiều nông dân ở Sóc Trăng, Cần Thơ mong muốn các doanh nghiệp mở rộng thêm diện tích trồng lúa thơm, đặc sản gắn với bao tiêu để nông dân sản xuất thu lợi nhuận cao và ổn định. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu có thể nhân rộng mô hình CĐML sản xuất lúa thơm đến quy mô nào? Và phải làm thế nào để có được cơ cấu lúa giống gắn với các phân khúc thị trường xuất khẩu một cách hợp lý?

    Tại ĐBSCL mô hình CĐML phát triển trong hai năm qua, chủ yếu tập trung sản xuất trong vụ đông - xuân bởi thời tiết thuận lợi. Nếu như năm 2013, diện tích sản xuất trong CĐML hơn 76 nghìn héc-ta thì ước tính năm nay, con số này tăng lên khoảng 200 nghìn héc-ta. Theo tính toán của các địa phương trong vùng: Lợi nhuận thu được từ mô hình CĐML cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống sạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh... Trước đây, nhiều địa phương trong vùng "đau đầu" khi tỷ lệ giống chất lượng trung bình chiếm 35%, có đến 45% giống chất lượng gạo thấp (IR 50404, OM 576), trong khi giống chất lượng cao, gạo thơm mới chiếm khoảng 20%.

    Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ NN&PTNT và các địa phương tìm cách nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, giảm tỷ lệ lúa phẩm cấp thấp. Và khi các doanh nghiệp cùng chung tay tham gia vào CĐML "đặt hàng" nông dân sản xuất lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao gắn với bao tiêu hiệu quả cho thấy hướng đi thích hợp. Phân khúc gạo thơm, chất lượng cao đang gia tăng do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng. Ngay thị trường nội địa, nhu cầu các chủng loại gạo này cũng rất cao. Lượng gạo thơm, đặc sản xuất khẩu hằng năm dao động 500 - 600 nghìn tấn/năm, riêng trong vài năm trở lại đây số lượng này tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2014.

    Theo nhiều doanh nghiệp, mặt bằng giá lúa của Việt Nam tăng gần đây là do có sự tăng đột biến của diện tích trồng gạo thơm, gạo đặc sản. Điều này đáng mừng hơn đáng lo, nhất là khi các doanh nghiệp gắn kết đặt hàng bao tiêu chặt chẽ với nông dân sản xuất. Khi sản lượng gạo thơm, đặc sản tăng ổn định, sẽ tạo ra cơ hội cho gạo dài trắng rộng đường tìm thị trường. Sự tương tác theo xu hướng tích cực đang diễn ra trên thị trường và là tín hiệu cho thấy người nông dân ĐBSCL có bước chuyển đổi trong nhận thức khi chú trọng đến sản xuất phân khúc gạo thơm, giá trị bán buôn cao hơn giống lúa thường.

    Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020 theo Quyết định 2441/QĐ-TTg ngày 31-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: nâng cao thu nhập của người trồng lúa trên đơn vị diện tích gieo trồng thông qua việc gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo theo hướng: đến năm 2015 tăng 20% và đến năm 2020 là 50% so với mức thu nhập bình quân năm 2013.
0975 549 688